Categories: Trồng người

Bốn đoạn trích Truyện Kiều | Trần Đình Sử

Published by
Quách Phú Thành
  1. KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH

(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Trong Truyện Kiều, có nhiều đoạn thơ hay miêu tả nỗi cô đơn, nhớ nhà của Kiều, nhưng không đoạn nào thể hiện được trạng thái bi đát, bế tắc, đơn côi như đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Sau khi biết mình bị bán vào lầu xanh, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Biết Kiều tính tình khảng khái, cứng rắn, Tú Bà đã cho Kiều ở riêng trong lầu Ngưng Bích để thực hiện một âm mưu khác. Trong thời gian này, sức khoẻ của Kiều mới hồi phục trở lại, nhưng tình cảm lại hết sức cô đơn. Chết thì nàng đã không chết nữa, vì sợ bị lụy cho cha mẹ, nhưng sống thì sẽ sống như thế nào, một thân một mình ở nơi hoàn toàn xa lạ, tứ cố vô thân ? Đây là đoạn thơ hay nổi tiếng của Truyện Kiều, cực tả nỗi lòng cô đơn, buồn thảm, bi đát đó của nàng Kiều.

Trước hết, Nguyễn Du miêu tả tình cảm cô đơn của Kiều ở lầu Ngưng Bích bằng cách vẽ ra khung cảnh xung quanh theo con mắt của Kiều :

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát, xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

Hai chữ “khóa xuân” rất đẹp nhưng nói lên thực chất Kiều bị giam lỏng. Câu “Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung” cũng rất đẹp, cực tả cảnh cô đơn của Kiều. Lầu Ngưng Bích cao quá, trơ trọi quá, Kiều như chỉ còn “ở chung” làm bạn với “vẻ non xa, tấm trăng gần” (gần trăng là vì lầu cao). Một cảm giác trơ trọi, rợn ngợp, lơ lửng tràn ngập câu thơ. Nhìn ra xung quanh chỉ thấy một không gian bao la, xa vời : non xa, xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia, tịnh không một bóng cây, bóng nhà, bóng người. Về thời gian, sớm làm bạn với mây, khuya làm bạn với đèn, thức, ngủ một mình thui thủi triền miên, thật là bẽ bàng – ngao ngán và vô vọng. Nhưng nàng buồn về cảnh một phần, một phần khác lại buồn hơn vì tình. Đó là hai nỗi buồn chia xé tâm hồn nàng.

Thứ hai, nhà thơ cực tả nỗi lòng nhớ nhung, thương xót đối với người thân. Người đầu tiên được nhớ tới trong những giờ phút cô quạnh ấy là Kim Trọng, người tình mà nàng đã nặng lòng thề hẹn :

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Trong tâm trí nàng vẫn còn như in hình ảnh hai người cùng uống rượu thề nguyền dưới trăng : “Đinh ninh hai miệng một lời song song”. Kiều thương nhất là việc Kim Trọng vẫn chưa biết Kiều đã thuộc về người khác, vẫn đang ngày đêm trông chờ nàng một cách uổng công.

Hết thương Kim Trọng, nàng lại thương mình :

Bên trời góc biển bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

“Tấm son” đây là tấm lòng thủy chung, son sắt của Thúy Kiều đối với Kim Trọng. Nói bao giờ mới quên được mối tình, có nghĩa là chẳng bao giờ quên được.

Kế đến là nhớ thương cha mẹ già :

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

“Tựa cửa” là hình ảnh của ngóng trông. Nàng tưởng tượng cha mẹ đang tựa cửa ngóng trông nàng về. Và giờ đây ai là người “quạt nồng ấp lạnh” cho cha mẹ. Nàng cảm thấy thời gian xa nhà đã rất lâu : “cách mấy nắng mưa”, và tưởng tượng thấy cha mẹ đã già (“Có khi gốc tử đã vừa người ôm”).

Hiển nhiên là Kiều cũng nhớ hai em, song chàng Kim và cha mẹ vẫn là mối tình cảm tha thiết nhất, gắn bó nhất.

Cuối cùng, Kiều nhìn đến cảnh trống trải, xa vắng mà nghĩ đến thân phận. Đây là những câu thơ réo rắt bậc nhất về nỗi buồn luân lạc, bơ vơ. Mỗi câu như gợi lên một nỗi buồn thảm, hãi hùng lắng sâu trong vô thức :

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông nội cỏ dầu dầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tám câu thơ, mỗi cặp câu gợi ra một nỗi buồn sâu thẳm. “Buồn trông” là buồn mà nhìn xa, nhưng cũng là buồn mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm đổi thay tình trạng hiện tại. Hình như nàng mong một cánh buồm, nhưng cánh buồm chỉ thấp thoáng, xa xa, không rõ, như một ước vọng mơ hồ, mỗi lúc một xa. Nàng lại trông ngọn nước mới từ cửa sông chảy ra biển (theo Lê Văn Hòe), ngọn sóng xô đẩy cánh hoa phiêu dạt, không biết về đâu. Kiều ngồi trên lầu cao làm sao thấy được cánh hoa trên dòng nước. Đây chỉ là cảnh tưởng tượng về số phận mình. Nàng lại trông thấy đồng cỏ úa tàn, chân mây, mặt đất một màu mờ mịt xanh xanh, tưởng như mịt mùng không có chân trời. Nàng lại “trông gió cuốn mặt duềnh”. “Duềnh” là chỗ biển ăn sâu vào đất liền, thành vụng (theo Thạch Giang). Gió cuốn mặt duềnh làm cho sóng vỗ rào rạt, ầm ầm… Tất nhiên, dù lầu Ngưng Bích có rất gần bờ biển cũng không thể nghe được tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi được. Đây là hình ảnh vừa thực, vừa ảo, cảm thấy như sóng vỗ dưới chân, đầy hiểm họa, như muốn nhấn chìm nàng xuống vực.

Tám câu thơ, câu nào cũng vừa thực vừa hư, vừa là thực cảnh, vừa là tâm cảnh. Toàn là hình ảnh về sự vô vọng, sự dạt trôi, sự bế tắc và sự chao đảo, nghiêng đổ. Đây chính là lúc mà tình cảm Kiều trở nên mong manh và yếu đuối nhất, là lúc mà nàng rất dễ rơi vào cạm bẫy, như nàng sẽ rơi vào tay Sở Khanh sau này.

Trong đoạn thơ này, không gian bao la rợn ngợp, không một bóng người. Thời gian như dồn lại, không biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều lặp lại. Con người trở nên nhỏ bé, bất lực, trơ trọi. Nghệ thuật trùng điệp như kéo dài nỗi buồn vô vọng, vô tận của con người.

2. NHỮNG NỖI LÒNG TÊ TÁI

(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Đây là đoạn thơ miêu tả tâm trạng đau đớn, ê chề của Thúy Kiều sau khi buộc phải làm đĩ, tiếp khách ở lầu xanh. Khi biết rơi vào nhà chứa, Kiều đã tự tử, nhưng không chết. Định liều chạy trốn theo Sở Khanh nhưng lại bị lừa, bị đánh đập tàn nhẫn, cuối cùng phải tiếp khách.

Kiều là một cô gái đẹp, cho nên ngày tiếp khách của nàng trở thành ngày hội của lầu xanh đối với mọi khách làng chơi :

Lầu xanh mới rủ trướng đào,

Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.

Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.

Một không khí thật là náo nhiệt, ồn ào, bận rộn, đúng như một cảnh làm ăn rất thịnh vượng nơi thị thành. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, nó hoàn toàn tương phản với những nỗi lòng tê tái của nhân vật. Nguyễn Du rất biết khai thác các tương phản để miêu tả nỗi lòng, biết phân tích sự khác biệt bề ngoài và bề trong. Phải hiểu cái bề trong tâm hồn mới hiểu được phẩm giá của Kiều.

Cả đoạn thơ này tác giả không miêu tả cảm xúc của Thúy Kiều trong một thời điểm nào, một buổi nào, một ngày nào, mà miêu tả một tâm trạng triền miên trong chuỗi ngày tiếp khách. Ngày tháng chỉ là một sự chồng chất và kéo dài. Nỗi lòng Kiều hiện lên những lúc vắng vẻ, khi xong việc tự đối diện với chính mình. Đó là nỗi đau thầm kín đằng sau các hoạt động tiếp khách. Ở đây sự miêu tả kết hợp với thuật theo bút pháp tự (kể) tình. Tác giả lần lượt kể và tả những nỗi lòng tê tái.

Thứ nhất là nỗi thương thân, xót thân, tiếc thân :

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ?

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân ?

Mặc người mưa Sở, mây Tần,

Riêng mình nào biết có xuân là gì ?

Hai tiếng “giật mình” rất hay, nó nói lên cái thần của con người những lúc ngẫm lại những thay đổi quá lớn. Ba chữ “mình” trong một câu nói lên sự cùng cực cô đơn : mụ chủ chỉ biết tiền, khách chơi chỉ biết sắc, ai biết cho một con người tan nát ?! Nổi lên trên hết là sự nuối tiếc một phẩm giá bị giày xéo. Hình ảnh “phong gấm rủ là” nói lên hình ảnh của tấm thân vàng ngọc, được khoác áo gấm, rủ bức là, tức tấm thân bọc trong nhung lụa, quý báu, thế mà nay như hoa giữa đường, ai qua lại cũng xéo lên tàn nhẫn !

Thứ hai là ghê tởm chính bản thân mình : con người khuê các vốn kín đáo, e thẹn, nay đã thành “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường”. “Bướm chán ong chường” không phải là nói khách chơi chán chường Kiều, mà nói chính Kiều chán chường bản thân mình, sao lại trở thành con người tiếp khách trơ trẽn, vô liêm sỉ như thế được ? Từ đây Kiều chỉ sống như một món hàng, một thứ đồ chơi, không sống như một con người nữa. Nhiều sách chép câu “Riêng mình nào biết có xuân là gì” thành “Những mình nào biết có xuân là gì”. Chữ “những” có lẽ đúng hơn, hợp hơn. Đó là “những như mình”, như loại mình… bao hàm cái ý chán mình ở trong ấy.

Thứ ba là nỗi buồn và bẽ bàng :

Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

Cảnh quả là rất nên thơ, mà lòng nàng ủ dột :

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ !

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.

Cảnh quả là vui thú, tao nhã, phong lưu, nhưng đối với Kiều chỉ là vui gượng : “Ai tri âm đó, mặn mà với ai” ? Đó chẳng qua là các trò chơi để giết thì giờ, không mảy may ý nghĩa.

Thứ tư là sự cô đơn, đau đớn một mình :

Thờ ơ gió trúc mưa mai,

Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.

Những nỗi lòng thương thân, xót thân, chán mình, buồn khổ cô đơn, vui gượng gạo như thế đã chứng tỏ mạnh mẽ Kiều là một con người có phẩm giá, không phải người tà dâm, lấy việc tiếp khách làm vui.

Nhưng Kiều không chỉ đau cho mình. Nàng đau đớn thương xót người thân. Nàng là người con có hiếu, có nghĩa, có tình, cho nên :

Ôm lòng đòi đoạn xa gần,

Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !

Trước hết là nàng nhớ cha mẹ ngày một già, thương cha mẹ không có người chăm nom. Nhưng thương nhất là câu này :

Dặm nghìn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.

Cha mẹ bao giờ cũng mong con hạnh phúc, gửi gắm hy vọng vào con, thế mà thân phận con đã thay đổi ô nhục, cha mẹ xa xôi không biết mà đau lòng !

Thứ hai là thương người tình và mong em gái thay mình lấy chàng :

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai ?

Cuối cùng là nỗi lòng nhớ về quê hương của người con lưu lạc :

Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.

Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

Nhà thơ đã hai lần nhắc đến từ “đòi đoạn” – nỗi đau tan nát. Có lẽ nói những nỗi lòng tan nát hợp hơn là những nỗi lòng tê tái chăng ? Trong nỗi lòng Kiều, nổi lên tình cảm đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vô nghĩa.

Kết thúc đoạn thơ này là một tình cảm đay nghiến số phận, oán trách số phận, bề ngoài có vẻ cam chịu, mà bên trong là một sự lên án bất công của tạo hóa :

Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân.

Đã đày vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi !

Sao lại có cái thứ cân bằng lạ lùng như vậy ? Sao lại phải chịu sỉ nhục một lần như vậy ? Đó chẳng phải là sự bất công vô lý của tạo hóa, của số phận hay sao ?

Đoạn thơ này độc đáo nhất là việc sử dụng ngôn ngữ trong miêu tả. Nhà thơ đã dùng nhiều phép sóng đôi, nhiều tiểu đối để miêu tả thời gian kéo dài và sự việc lặp lại : cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm, sớm đưa, tối tìm, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, khi sao, giờ sao, đòi phen, đòi phen… Hay nhất là câu :

Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

hết hoàng hôn này lại tiếp đến hoàng hôn khác. Chữ “đã” nói lên rằng ngày tháng của Kiều chỉ là hoàng hôn nối tiếp hoàng hôn, cơ hồ không có ban ngày. Một sự thay đổi nhỏ, “hoàng hôn” thành “hôn hoàng”, có vẻ như là khác, nhưng thực ra là giống hệt nhau ! Một chuỗi dài của những ban đêm !

Để miêu tả những cảnh tầm thường, dung tục, tác giả chỉ gợi qua các cụm từ được cấu tạo đặc biệt :

– bướm lả ong lơi

– lá gió cành chim

– bướm chán, ong chường

– mưa Sở, mây Tần

– gió tựa, hoa kề

Nếu nói ong bướm lả lơi thì có thể chỉ việc xảy ra một lần. Đảo lại thành ra nhiều lần. Bướm chán, ong chường cũng thế. Lá gió cành chim, gió tựa hoa kề đều chỉ các sự trăng gió, nhưng cách nói mới lạ và đa dạng, lại tao nhã.

Để thể hiện cảm thức lưu lạc nhà thơ cực tả sự xa xôi :

– Dặm nghìn, nước thẳm, non xa…

– Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.

– Song sa vò võ phương trời…

Nguyễn Du không chỉ kể, tả mà còn gợi, tạo cảm giác cho người đọc. Đây là đoạn văn tài hoa, tiêu biểu cho nghệ thuật tả tâm trạng của Truyện Kiều.

3. THÚC SINH TỪ BIỆT THÚY KIỀU

(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Thúy Kiều được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh của mụ Tú Bà, lại được ông quan xử cho về đoàn tụ với Thúc Sinh (sau vụ kiện của Thúc ông), đang sống những ngày thực sự sung sướng. Tuy vậy Kiều vẫn sợ vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư đánh ghen nên đã giục chàng về nói với Hoạn Thư xin được làm lẽ. Đây là chuyến đi đầy lưu luyến và tràn trề hy vọng :

Chén đưa nhớ bữa hôm nay,

Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau !

Đây là đoạn văn miêu tả giây phút từ biệt và nỗi buồn của Kiều đối với Thúc Sinh cũng như đối với số phận mình.

Trước hết là tả phút chia tay. Đây là cái giây phút dứt khoát chia tay của hai người :

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Sau bao dùng dằng trì hoãn, rút cuộc Thúc Sinh đã chịu lên ngựa. Còn Thúy Kiều thì buông vạt áo bào của chàng ra, không giữ nữa. Chính giây phút ấy không gian hoàn toàn thay đổi :

Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san

Nơi tiễn biệt này là huyện Lâm Tri, thuộc Sơn Đông, vốn là thủ đô của nước Tề cũ, không phải là nơi biên ải, quan san. Nhưng vừa chia tay thì cả rừng phong như nhuốm màu tiễn biệt, cách trở. Quan san là cửa ải và núi non, chỉ một không gian cách trở, bên này là đất nước mình, sang bên kia là đã thuộc về nước khác. Cả một vùng rừng phong vốn đã nhuốm màu ảm đạm của mùa thu, lại có thêm màu cách trở. Đó là màu của tình cảm Thúy Kiều. Buông áo Thúc Sinh, nàng như đẩy Thúc Sinh về với xứ khác và giữa hai người, một vùng biên ải hiện ra !

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Thúy Kiều trông theo bóng của Thúc Sinh trên đường xa. Con đường của chàng bụi đỏ (dặm hồng) đã cuồn cuộn bốc lên cuốn hút lấy chiếc yên ngựa, rồi bóng chàng dần dần mất hút sau mấy ngàn dâu xanh. Câu thơ như muốn gợi lại cuộc chia tay bằng mắt của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc cho đến khi khuất hẳn :

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Thứ đến tả nỗi lòng Kiều :

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Đây là cảm nhận của Kiều về số phận cả hai người. Cả hai đều cô đơn như nhau : người thì “chiếc bóng”, kẻ thì “một mình”, người thì vò võ “năm canh”, người thì “xa xôi”, “muôn dặm”. Câu thơ vừa thương mình, vừa thương người, một đôi cô quạnh :

Vầng trăng ai xẻ làm đôi(1),

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường !

Lòng thương cảm xót xa cho đôi tình nhân đã gây cảm hứng cho Nguyễn Du viết ra một trong những câu thơ hay nhất của Truyện Kiều. Hai người như một vầng trăng bị xẻ làm hai nửa, hoặc Kiều nhìn trăng như thấy bị xẻ làm hai nửa, hoặc từ nay mỗi người chỉ soi lẻ một vầng trăng, mà chỉ thấy là một nửa. Câu thơ đau buốt như có máu chảy. Nửa soi “gối chiếc” của Kiều (chiếc bóng), nửa soi “dặm trường” (một mình) của Thúc Sinh.

Câu thơ không chỉ đau buốt mà còn ai oán : “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”. Ai đã đang tâm chia rẽ hạnh phúc tròn đầy ? Số phận lẽ mọn hay còn do một sự tính toán kỹ lưỡng của Kiều ? Ai đã đẩy Thúc Sinh bước lên con đường muôn dặm và để mình vò võ ? Câu trả lời không thể là một nghĩa. Chữ “xẻ” là cắt rời ra, nhiều bản chép là “sẻ” nghĩa là chia bớt, san sẻ. Có lẽ “xẻ” đúng hơn và đau đớn hơn.

Tám dòng thơ, dòng nào cũng chia ly, đơn chiếc, lẻ loi. Đây có thể là những dòng thơ chia ly đau đớn, ai oán và đẹp bậc nhất trong văn học Việt Nam. Nhà thơ không gọi đây là Thúc Sinh, kia là Thúy Kiều đang chia tay, mà gọi bằng “người”, “kẻ”, những đại từ phiếm chỉ làm cho tình thơ càng có tầm phổ quát của muôn đời. Đây là cuộc chia tay của tình yêu muôn đời.

Về chương pháp, đoạn văn này chứng tỏ tài nghệ của Nguyễn Du trong việc vận dụng luật cân đối, làm cho lời văn liên kết chặt chẽ, tung, hứng, gọi thưa thật tuyệt. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương phân tích đoạn này đã viết : “Nguyễn tiên sinh đã mở lên bằng câu “Người… Kẻ…” thì suốt đoạn cụ mô tả hai nhân vật ấy song song nhau. Người thì “dặm hồng bụi cuốn”, “một mình xa xôi”, “nửa soi dặm trường”. Đồng thời kẻ ở lại thì : “trông vời đã khuất”, “chiếc bóng năm canh”, “nửa in gối chiếc”. Còn như quan san đã nhuốm rừng phong khi chia tay, hình vầng trăng bị xẻ làm đôi khi cách mặt ấy đều là cảnh trước mắt của hai người, trước sau đã khích động tâm tư cả hai người. Hai nhân vật nêu lên ở câu mở đã được chú ý ngang nhau vậy”(1). Nhà thơ đã nhận xét theo thi pháp truyền thống. Tuy nhiên, xét vào điểm nhìn trần thuật thì không thể nói hoàn toàn như thế. Hai câu :

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

thì chỉ có thể là điểm nhìn của Thúy Kiều, chứ không thể là điểm nhìn của Thúc Sinh. Hai câu :

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

cũng thể hiện điểm nhìn Thúy Kiều, bởi chính nàng khuyên Thúc Sinh về nhà, nên mang ý vị tự trách và trách số phận. Nếu Thúc Sinh cũng nghĩ như thế hóa ra chàng có ý trách Thúy Kiều ? Trách số phận đã là đau đớn, tự trách mình lại càng đau đớn bội phần.

Đoạn này là một đoạn sáng tạo hoàn toàn của Nguyễn Du. Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đêm hôm ấy hai người trò chuyện đến khuya, rồi ân ái cùng nhau cho đến sáng. Khi trời sáng thì mọi người đến chia tay Thúc Sinh, Thúy Kiều đành đứng trong cửa sổ nhìn ra mà tiễn, nghĩa là hoàn toàn không có cảnh này.

Trong truyện Trung Quốc, Thúc Sinh không biết đi ngựa. Chàng chỉ lên xe ngựa mà thôi. Nguyễn Du đã bỏ hết cảnh mọi người đưa tiễn để cho Kiều có dịp tiễn Thúc Sinh lên đường. Ông lại để cho Thúc Sinh biết cưỡi ngựa, mặc áo bào, làm cho cuộc chia tay có người lên ngựa, kẻ chia bào, đượm một không khí chinh phụ tiễn biệt chinh phu đầy lãng mạn. Nhưng không phải cái lãng mạn của người đi lập chiến công, mà lãng mạn của kẻ dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Nguyễn Du đã làm cho cuộc chia tay thơ mộng hơn và gần gũi với cảm nhận về đời của mình.

4. KIỀU GẶP TỪ HẢI

(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Trong Truyện Kiều, có nhiều cuộc hội ngộ của các nhân vật, nhưng cuộc hội ngộ của Kiều và Từ Hải có một ý nghĩa đặc biệt.

Khi bị bán vào lầu xanh lần thứ hai thì Kiều đã hoàn toàn bất lực, buông xuôi, vô vọng :

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Chính vào lúc đó, Từ Hải xuất hiện như là một giấc mơ làm đổi thay đời nàng. Từ Hải là người anh hùng vạn năng trong truyện cổ tích đến để cứu vớt người đẹp. Từ Hải là con người cô đơn đi tìm người tri kỷ. Từ Hải chắp cánh cho Kiều đi vào những ước mơ mới. Đoạn “Kiều gặp Từ Hải” này đã bộc lộ lý tưởng, nhân sinh quan nhà thơ một cách sâu sắc nhất.

Từ Hải đã xuất hiện hoàn toàn bất ngờ :

Lần thâu gió mát, trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

“Khách biên đình” là khách ở miền biên giới rất xa xôi, bỗng nhiên tìm đến. Tiếp đó là miêu tả chân dung Từ Hải với tướng mạo, tầm vóc, tư thế, tài năng, khí phách, chí khí :

Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Đội trời đạp đất ở đời,

Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.

Giang hồ quen thói vẫy vùng(1),

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

(1) Có bản chép : “… quen thú vẫy vùng”.

Trong chân dung của Từ, nhà thơ trước hết chú ý đến tướng mạo khác thường, đặc biệt là đặc điểm của mày râu, chứng tỏ chàng là một đấng trượng phu. Tầm vóc to lớn, tài năng hơn người. Câu “Đường đường một đấng anh hào” cho thấy một tư thế đường bệ, oai phong như choán hết không gian xung quanh. Còn câu “Đội trời đạp đất ở đời” thì cho thấy ngoài trời đất ra chàng không thừa nhận ai hết. “Giang hồ quen thói vẫy vùng” là thích tự do ngoài vòng cương tỏa, chỉ dựa vào tài năng, sức lực của mình. Tóm lại, trong chân dung Từ Hải, nhà thơ Nguyễn Du nhấn mạnh tới tính chất quá khổ, quá cỡ, không thể dung chứa vào một cái khung nào hết. Đối với Nguyễn Du, Từ Hải đích thực là một anh hùng. Chỉ riêng đoạn thơ ngắn này, ông đã bốn lần gọi Từ là anh hùng. Cuộc gặp gỡ của Kiều và Từ Hải là cuộc hội ngộ giữa những người tri kỷ, là những người hiểu và tôn trọng giá trị của nhau.

Từ Hải sang chơi là vì mộ “tiếng nàng Kiều”. Tấm danh thiếp chàng gửi cho Kiều là danh thiếp gửi cho người đẹp :

Thiếp danh đưa đến lầu hồng…

Kiều đang ở lầu xanh, nhà kỹ nữ rõ ràng, nhưng đối với Từ, nơi Kiều ở là chốn lầu hồng dành cho người đẹp. Không phải Nguyễn Du sơ ý, mà là cách đánh giá của Từ Hải. Từ đã nói một câu có giá trị chiêu tuyết cho Kiều :

Từ rằng : “Tâm phúc tương cờ,

Phải người trăng gió vật vờ hay sao ?”

(Tôi đến đây là để tìm người bạn tâm phúc, tâm giao, tri kỷ, chứ không phải tìm thú vui trăng gió tầm thường).

Về phía Kiều thì nàng đã đánh giá Từ rất cao. Nàng tuy ở lầu xanh, nhưng lâu nay chẳng để ai lọt vào “mắt xanh” – ý nói không coi ai là tri âm, tri kỉ cả. Đối với Từ, nàng coi chàng là đấng anh hùng, tin chàng sẽ làm nên sự nghiệp, lấy được thiên hạ, và mai sau mong nhờ vào sức mạnh của chàng.

Suốt cả Truyện Kiều, chưa có một cuộc gặp gỡ nhau nào mà các nhân vật ý hợp tâm đầu nhanh đến thế, hiểu nhau đến thế :

– Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.

– Nghe lời vừa ý, gật đầu,

Cười rằng : “Tri kỷ trước sau mấy người !

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già !”.

– Hai bên ý hợp, tâm đầu,

Khi thân, chẳng lọ là cầu mới thân.

Rõ ràng hai người thân nhau vì họ hoàn toàn hiểu nhau, đồng cảm, đồng tình với nhau trong mọi việc. Trong Truyện Kiều chỉ có ba chữ tri kỷ, hai chữ dành cho Từ Hải và Kiều, một chữ dành cho Kiều và Kim Trọng sau khi quyết định làm bạn tâm giao. Đây là cuộc gặp gỡ khẳng định và đề cao nhân cách của hai người. Một người mang danh kỹ nữ, một người mang danh giặc cỏ, nhưng đối với Nguyễn Du, họ là những con người có phẩm chất cao quý bậc nhất.

Kết duyên rồng phượng là phần kết của đoạn thơ. Từ Hải hào phóng chuộc Kiều ra và hai người kết duyên với nhau. Nguyễn Du đã ngợi ca hạnh phúc của hai người như là một tình duyên đẹp đôi nhất, sung sướng nhất, đầy cảm hứng :

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

Đối với Thúy Kiều, Từ Hải là người chồng xứng đáng nhất của đời nàng. Qua đoạn thơ này, Nguyễn Du đã thể hiện trọn vẹn quan niệm anh hùng và lý tưởng cuộc sống, khát vọng tự do, hạnh phúc và tình bạn của mình với những lời văn đầy hào hứng.

Tác giả

  • Tôi là Quách Phú Thành, một chuyên gia nội dung các chủ đề cuộc sống, phong cách, và sức khỏe. Tôi đã hoàn thiện quá trình học tập trong ngành Báo chí và đạt được chứng chỉ Hành nghề Báo chí. Với mục tiêu phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và viết lách, tôi luôn sẵn sàng đóng góp và chia sẻ giá trị cho cộng đồng thông qua nhiều dự án viết lách hấp dẫn và bài viết chất lượng. Hiện tại, tôi đang đảm nhiệm vị trí quan trọng là chuyên gia nội dung cho trang web, một trang web nổi tiếng về cuộc sống, phong cách, và sức khỏe. Tại đây, tôi đảm bảo rằng nội dung được cung cấp là chất lượng và đa dạng. Tôi đã đóng góp vào sự phát triển và thành công của trang web này qua việc viết các bài viết hấp dẫn và độc đáo.

This post was last modified on Tháng tư 25, 2024 6:28 chiều

Quách Phú Thành

Tôi là Quách Phú Thành, một chuyên gia nội dung các chủ đề cuộc sống, phong cách, và sức khỏe. Tôi đã hoàn thiện quá trình học tập trong ngành Báo chí và đạt được chứng chỉ Hành nghề Báo chí. Với mục tiêu phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và viết lách, tôi luôn sẵn sàng đóng góp và chia sẻ giá trị cho cộng đồng thông qua nhiều dự án viết lách hấp dẫn và bài viết chất lượng. Hiện tại, tôi đang đảm nhiệm vị trí quan trọng là chuyên gia nội dung cho trang web, một trang web nổi tiếng về cuộc sống, phong cách, và sức khỏe. Tại đây, tôi đảm bảo rằng nội dung được cung cấp là chất lượng và đa dạng. Tôi đã đóng góp vào sự phát triển và thành công của trang web này qua việc viết các bài viết hấp dẫn và độc đáo.

Recent Posts

Best Car Insurance in California: Your Ultimate 2024 Review

Hey there, fellow Californian drivers! Are you tired of shelling out a fortune for car…

4 tháng ago

Best Cheap Car Insurance Companies in Rochester, N.Y.

We have chosen NY Central Mutual, Geico, Progressive, Erie Insurance and USAA as the best…

4 tháng ago

Cheap Car Insurance in Rochester, N.Y.

Rochester, NY, is a beautiful city with diverse neighborhoods and unique driving conditions. Whether you're…

4 tháng ago

Who Has the Cheapest Car Insurance in New York? Your 2024 Guide to Affordable Coverage

Are you a New York driver on the hunt for the most affordable car insurance?…

4 tháng ago

How Much is Car Insurance in Rochester, NY? Your 2024 Guide to Rates & Savings

Are you a Rochester, NY, resident wondering, "How much is car insurance in Rochester, NY?"…

4 tháng ago

Best Car Insurance Quotes in Rochester, NY

Looking for affordable and reliable car insurance in Rochester, NY? You're in the right place!…

4 tháng ago